THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA BUN-GA-RI

(Cập nhật đến tháng 3/2019)

 

 I. THÔNG TIN CHUNG

-   Tên nước: Cộng hòa Bun-ga-ri (The Republic of Bulgaria)

-  Thủ đô: Xô-phi-a (Sofia), dân số: 1.479.200 người (tính đến ngày 15/02/2019).

-   Ngày Quốc khánh: 03/03 (Ngày giải phóng Bun-ga-ri khỏi ách đô hộ của Thổ Nhĩ Kỳ 03/03/1878).

-   Vị trí địa lý: Nằm ở Đông - Nam Châu Âu, giữa bán đảo Ban-căng, phía Bắc giáp Ru-ma-ni, phía Nam giáp Hy Lạp, phía Đông - Nam giáp Thổ Nhĩ Kỳ, phía Đông giáp Biển Đen, phía Tây giáp Xéc-bi-a, phía Tây Nam giáp Bắc Ma-xê-đô-ni-a.

-   Diện tích: 110.910 km2

-   Khí hậu: Ôn đới

-   Dân số: 6.965.907 người (tính đến ngày 28/02/2019); 73,5% sống ở thành thị, tuổi thọ trung bình: 74; tỷ lệ tăng dân số: -0,7%; phân bố lao động: nông nghiệp chiếm 7,01%, công nghiệp 36,91%, dịch vụ 63,08% (năm 2018); 2,5 triệu kiều dân sinh sống ở nước ngoài (tính đến ngày 31/01/2019).

- Người nước ngoài tại Bun-ga-ri: Nga (22.000 người, chiếm 25,8%), Thổ Nhĩ Kỳ (12.800 người, chiếm 14,9%), Syria (12.800 người, chiếm 14,9%), Ucraina (5.900 người, chiếm 6,9%), Anh (3.900 người, chiếm 3,9%).

-   Dân tộc: Người Bun-ga-ri chiếm 76,9%, người gốc Thổ Nhĩ Kỳ 8%, người Di-gan 4,4%, các dân tộc khác 10,7%.

-   Ngôn ngữ: Tiếng Bun-ga-ri

-   Tôn giáo: 60% dân số theo Cơ đốc giáo chính thống (Orthodox); 7,8% theo Hồi giáo; 1,7% theo Thiên chúa giáo, Tin lành và Do thái giáo; 27,4% theo các tôn giáo khác.

-   Cơ cấu hành chính: Gồm 28 tỉnh, 265 thành phố/ thị trấn và 6 Vùng.

-   Đơn vị tiền tệ: Lê-va (Leva). Tỷ giá 1 EUR = 1,9558 Leva (tỷ giá cố định)

-  GDP (2018): 56,83 tỷ USD trong đó, nông nghiệp chiếm 5% (Silistra, Vidin, Montana, Razgrad…), công nghiệp 28% (Stara Zagora, Sofia, Gabrovo) và dịch vụ 58% (Sofia, Varna, Burgas), lĩnh vực kinh tế khác 13,33%

-   Thu nhập bình quân đầu người năm 2018: 8311 USD (Cao nhất Sofia: 17.576 USD; thấp nhất Silistra: 3849,74 USD).

-   Lãnh đạo chủ chốt:

  • Tổng thống: Rumen Radev (nhậm chức ngày 21/01/2017);
  • Thủ tướng: Boyko Borissov - Đảng Trung hữu/GERB (nhậm chức ngày 04/05/2017);
  • Chủ tịch Quốc hội: Tsvetia Karayancheva - Đảng GERB (nhậm chức ngày 17/11/2017);
  • Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao: Ekaterina Zaharieva - Đảng GERB (nhậm chức ngày 04/05/2017).

     

    II. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ

     

    Quốc gia Bun-ga-ri được thành lập năm 681. Sau ngày lập quốc, Bun-ga-ri luôn là đối tượng xâm chiếm và tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc Châu Âu. Bun-ga-ri đã trải qua 2 thời kỳ hưng thịnh (từ thế kỷ 7-10; từ thế kỷ 12-13), từng bị đế quốc Bi-dăng-tin (đế quốc Đông La Mã) đô hộ 170 năm (1018-1185) và đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ đô hộ gần 5 thế kỷ (1396-1878).

    Năm 1878, chiến tranh Nga - Thổ kết thúc với thắng lợi thuộc về phía Nga, hai bên ký Hiệp ước hòa bình San Stefano và Bun-ga-ri được giải phóng khỏi đế chế Ottoman vào ngày 03/3/1878.

    Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, với sự giúp đỡ của Liên Xô, Bun-ga-ri thành lập chính quyền do Đảng Cộng sản lãnh đạo, đi theo con đường xây dựng CNXH (1944-1989).

    Ngày 10/11/1989, chế độ XHCN tại Bun-ga-ri tan rã, Bun-ga-ri chuyển sang chế độ đa đảng và phát triển theo hướng kinh tế thị trường.

    Bun-ga-ri chính thức gia nhập NATO ngày 29/03/2004 và Liên minh châu Âu (EU) ngày 01/01/2007.

     

    III. THỂ CHẾ NHÀ NƯỚC, ĐẢNG PHÁI CHÍNH TRỊ

1.     Thể chế nhà nước:

  • Theo chế độ Cộng hòa Nghị viện (Hiến pháp 1991).
  • Quốc hội một Viện với 240 ghế, nhiệm kỳ 4 năm do dân bầu. Chủ tịch được đề cử từ đảng chiếm nhiều số ghế nhất trong Quốc hội.
  • Tổng thống do dân bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm. Đại diện cho nhà nước trong các vấn đề quốc tế và an ninh quốc gia.
  • Thủ tướng do các đảng trong Quốc hội đề cử và thông qua để trình Tổng thống phê chuẩn. Nhiệm kỳ Thủ tướng 4 năm (theo nhiệm kỳ của Quốc hội).

2.     Đảng phái chính trị:

-   Bun-ga-ri hiện có hơn 100 đảng/phái đăng ký hoạt động nhưng chỉ có gần 20 đảng/phái chính trị đủ uy tín và tài chính để tham gia vào các cuộc bầu cử Quốc hội.

-  Tại cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn khóa 44 (26/03/2017), chỉ có 05 đảng và liên minh đạt ngưỡng trên 4% số phiếu cần thiết để có ghế trong Quốc hội gồm:

+ Đảng trung hữu "Những công dân vì sự phát triển châu Âu của Bun-ga-ri" - GERB được 95 ghế.

+ Liên minh vì Bun-ga-ri (Liên minh cánh tả do Đảng Xã hội chủ nghĩa Bun-ga-ri – BSP dẫn đầu) được 80 ghế.

+ Liên minh Những người yêu nước thống nhất – UP (Liên minh của ba đảng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa: ATAKA, VMRO, Mặt trận quốc gia cứu rỗi Bun-ga-ri) được 27 ghế.

+ Đảng Phong trào vì quyền và tự do – MRF (lực lượng chính trị theo đường lối trung hữu của người Bun-ga-ri gốc Thổ Nhĩ Kỳ) – 26 ghế.

+ Đảng VOLYA (lực lượng chính trị theo đường lối trung hữu, dân túy của doanh nhân Veselin Mareshki) – 12 ghế.

  • Sau bầu cử , Đảng GERB và UP liên minh để thành lập chính phủ đa số tối thiểu (122/240 ghế).
  • Đây là lần thứ 3 liên tiếp đảng GERB giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử Quốc hội trước hạn kể từ năm 2012 và Chủ tịch đảng nắm cương vị Thủ tướng. Tuy nhiên, kể từ sau chuyển đổi thể chế chính trị đến nay, chưa có chính phủ nào giữ vững đủ nhiệm kỳ 4 năm.

     

    IV. KINH TẾ

    Từ năm 1990, Bun-ga-ri tiến hành cải cách, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi diễn ra khó khăn và kéo dài với 2 lần rơi vào khủng hoảng tài chính (1997 và 2009). Kể từ năm 2010, kinh tế Bun-ga-ri bắt đầu hồi phục. Trong 4 năm trở lại đây GDP liên tục tăng trưởng trên 3%. Trong đó năm 2017 tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất 3,6%.

    Bun-ga-ri nằm trong số ít các nước EU đảm bảo được các tiêu chuẩn tài chính chung của khối. Bun-ga-ri đã thành công trong việc giảm nợ công trong 10 năm qua (từ 100% GDP xuống còn 16% GDP), đã giữ được thâm hụt ngân sách cũng như lạm phát dưới mức trung bình do EU đề ra và là nước duy nhất trong EU được nâng bậc xếp hạng tín nhiệm trong thời kỳ khủng hoảng. Tháng 7/2018 Bun-ga-ri đã nộp đơn xin gia nhập Cơ chế trao đổi tỉ giá (ERM II) - bước đầu tiên trước khi gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone. Nếu Bun-ga-ri được kết nạp vào ERM II vào tháng 7/2019 như dự kiến và đảm bảo các tiêu chí về hội tụ và ổn định tài chính trong hai năm tiếp theo, khả năng sớm nhất để Bun-ga-ri trở thành thành viên Eurozone là năm 2023.

    Các thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Bun-ga-ri trong thời gian vừa qua và trong tương lai gần là tình trạng thiếu hụt lao động. Tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 5% tương đương với trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Ước tính Bun-ga-ri đang có nhu cầu 80.000 lao động trong các lĩnh vực chế tạo máy, điện tử, xây dựng, IT, y tế và giao thông. Trong trung hạn, Bun-ga-ri sẽ cần đến 500 000 lao động trong tất cả các lĩnh vực.

    Các ngành kinh tế quan trọng: điện, khí đốt, lọc dầu, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, sản xuất máy móc - thiết bị, các kim loại cơ bản (sắt, đồng, kẽm…), hóa chất, than cốc, du lịch.

    Các tập đoàn, công ty nổi tiếng: Nhà máy lọc dầu Lukoil Neftochim Burgas và công ty xăng dầu Lukoil Bun-ga-ri (chiếm 9% GDP, đóng góp 25% vào nguồn thu ngân sách); Tập đoàn điện lực Bun-ga-ri (EVN Bun-ga-ri); Tập đoàn khí đốt Bun-ga-ri (Bulgargas); Công ty thuốc lá Bulgartabac; Tập đoàn xây dựng, bất động sản, sòng bài (Nove Holding).

    Một số số liệu năm 2018:

    - GDP 59 tỷ USD, tăng trưởng 3,2% (đứng thứ 5 trong EU); lạm phát 2,7%; thặng dư ngân sách: 2,6% GDP (tháng 11/2018); nợ công: 23% GDP; FDI lũy kế: 41,94 tỷ EUR (đến quý III 2018); thất nghiệp 6,2%; dự trữ vàng và ngoại tệ: 24,4 tỷ EUR; nợ nước ngoài: 32,72 tỷ EUR (tháng 12/2018); đầu tư ra nước ngoài: 242,9 triệu EUR (chủ yếu tại Hy Lạp, Rumani, Nga) ... .

    - Xuất khẩu đạt 28,27 tỷ EUR (tăng 0,7%; các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: điện tử và kỹ thuật điện, nhiên liệu, điện, máy móc, thuốc). Các thị trường xuất khẩu chủ yếu: Đức, Italy, Rumani, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Serbia…, trong đó vào thị trường EU đạt khoảng 18 tỷ EUR.

    - Nhập khẩu đạt 33,20 tỷ EUR (tăng 5%; các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: máy móc – thiết bị, may mặc, điện tử, phương tiện giao thông, hóa chất, dược phẩm). Các thị trường nhập khẩu chủ yếu: Đức, Italy, Tây Ban Nha, Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hi Lạp…

    - Đầu tư trực tiếp nước ngoài: FDI đăng ký đạt 2,8 tỷ EUR; thực tế đạt gần 1 tỷ EUR (chiếm 1,4% GDP). Chủ yếu từ các nước Hà Lan (767,1 triệu EUR), Đức (122 triệu), Bỉ (67,9 triệu).

    - Thu nhập bình quân đầu người khoảng 540 EUR (năm 2017).

    - Về du lịch, Bun-ga-ri thu hút 9,27 triệu lượt khách quốc tế, chủ yếu đến từ các nước Hy Lạp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Macedonia, Nga. Nguồn thu từ khách du lịch quốc tế đạt trên 3,2 tỷ EUR.

    - Chính sách ODA: Hàng năm Bun-ga-ri dành khoảng 40 triệu EUR cho các dự án hỗ trợ các nước đang phát triển.

    - Ngân sách quốc phòng khoảng 1,43% GDP (đứng thứ 14/28 thành viên NATO).

     

    V. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI

     

    Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, chính sách đối ngoại của Bun-ga-ri thay đổi mang tính bước ngoặt. Từng là đồng minh thân cận của Liên bang Xô Viết nay là nước Nga, là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Vác-xa-va và Hội đồng hỗ trợ kinh tế (CMEA). Từ năm 1991, Bun-ga-ri triển khai chính sách đối ngoại hướng tới cải thiện quan hệ và hội nhập với Tây Âu và đóng vai trò như một nhân tố bình ổn khu vực Balkan.

    Bun-ga-ri triển khai đường lối đối ngoại nhất quán, có mục tiêu nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, nhân quyền, dân chủ và thịnh vượng trong khu vực cũng như toàn cầu. Bun-ga-ri khẳng định là một đối tác tin cậy và một đồng minh có trách nhiệm trong EU, NATO, UN và các tổ chức quốc tế khác.

    Bun-ga-ri là thành viên các tổ chức quốc tế như: Liên hợp quốc (Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ khóa 2002-2003); UNESCO; UNCTAD; FAO (Tổ chức nông lương thế giới); OSCE (Tổ chức an ninh và hợp tác kinh tế; từng giữ cương vị Chủ tịch luân phiên năm 2004); EU; NATO; OIF (Tổ chức quốc tế Pháp ngữ); IPU (Liên minh Nghị viện quốc tế); WB (Ngân hàng thế giới); IMF (Quỹ Tiền tệ quốc tế); ASEM (Diễn đàn hợp tác Á-Âu); EIB (Ngân hàng đầu tư Châu Âu); EBRD (Ngân hàng tái thiết và phát triển Châu Âu); OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế); SEECP (Tiến trình hợp tác Đông Nam Âu); BSEC (Tổ chức hợp tác kinh tế Biển Đen); SECI (Sáng kiến hợp tác Đông Nam Âu); CEI (Sáng kiến hợp tác kinh tế); DCP (Tiến trình hợp tác khu vực sông Đa-nuýp)…

    Hiện tại, ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Bun-ga-ri: (i) hội nhập toàn diện vào EU. Bun-ga-ri đặt mục tiêu gia nhập Schengen và Cơ chế tỉ giá hối đoái II (ERM II) trong năm 2019 (bước cần thiết để gia nhập Eurozone); (ii) tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ và các nước NATO (nỗ lực tuân thủ các cam kết về tăng chi phí quốc phòng lên 2% GDP đến năm 2020; tham gia tập trận chung với Mỹ tại Biển Đen; tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Afghanistan, Bosnia & Herzegovina, Kosovo, Liberia, Mali); (iii) nâng cao vị thế và ảnh hưởng trong khu vực thông qua thúc đẩy tiến trình gia nhập EU và NATO của các nước Tây Balkan và bảo vệ tốt đường biên giới bên ngoài EU; (iv) tăng cường quan hệ với các nước láng giềng như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Macedonia.

    Ngoài ra, Bun-ga-ri chú trọng phát triển quan hệ với các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, hàn Quốc và các nước khu vực Đông – Nam Á. Bun-ga-ri coi trọng quan hệ với ASEAN, xem ASEAN là yếu tố đóng vai trò cốt lõi trong tiến trình hội nhập của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. ASEAN chiếm vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Bun-ga-ri, đặc biệt là thúc đẩy quan hệ song phương với một số nước bạn bè truyền thống trong khối, cũng như trong khuôn khổ mối quan hệ đối tác chiến lược đang được đẩy mạnh giữa EU và ASEAN trong nhiều lĩnh vực.

     

    QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM – BUN-GA-RI

     

     I. CHÍNH TRỊ - NGOẠI GIAO

    Bun-ga-ri là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (08/02/1950), khởi đầu cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác lâu dài giữa hai nước. Chuyến thăm hữu nghị chính thức Bun-ga-ri của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 8/1957 đã đặt nền móng và dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước. Từ 1950 đến 1989 quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp. Bạn đã dành cho ta sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu về tinh thần và vật chất trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước.

    Từ năm 1990 quan hệ hai nước tiếp tục được duy trì, đặc biệt trong thời gian gần đây, trong chính sách mở rộng và tăng cường quan hệ với các nước khu vực Châu Á, Bun-ga-ri đặc biệt quan tâm tăng cường quan hệ với Việt Nam. Đáng chú ý, trong các cuộc hội đàm và tiếp xúc, Lãnh đạo cấp cao của Bạn đều bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên mức Đối tác chiến lược.

    Về phía Việt Nam thăm Bun-ga-ri có: Thủ tướng Phan Văn Khải (16-18/9/2000), Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được (4/2004), Trưởng Ban Đối ngoại TW Đảng Nguyễn Văn Son (6/2004), Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (10/2005), Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến (2006), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh (1/2007), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (6/2008), Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường (6/2008), Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng (7/2010), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (10/2010), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (9/2012), Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (09/2012), Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh (8/2013), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm làm việc Bun-ga-ri và Bắc Macedonia (12/2014), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình thăm làm việc (4/2015), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Bun-ga-ri tháng 6/2015 (nhân dịp hai nước kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao), Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang (tháng 6/2015), Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Bích Ngọc (8/2017), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thăm làm việc Bun-ga-ri và Bắc Macedonia (4/2018), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (7/2018), Bộ trưởng Bộ Lao Động – Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (10/2018).

    Về phía Bun-ga-ri thăm ta có: Chủ tịch Quốc hội Géc-gi-cốp (3/2004); Thủ tướng Xta-ni-sép (11/2006), Phó Tổng thống A. Ma-rin (04/2007), Bộ trưởng Quốc phòng Bli-giơ-na-cốp (10/2007), Bộ trưởng Y tế Gaidarski (2007), Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội S. Pa-si (03/2008), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao I. Can-phin (11/2008), Tổng thống G. Pác-va-nốp (29-31/1/2009), Chủ tịch Quốc hội T. T-xa-che-va (4/2012), Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Tài chính Si-me-ôn Đi-an-kốp (10/2012), Tổng thống Rô-sen Plép-ne-li-ép (10/2013), Chánh án Tòa án tối cao Lasaz Gruev (10/2013), Thủ tướng Pla-men Ô-re-sa-xki (04/2014), Phó Tổng thống Ma-ga-rít-ta Pô-pô-va (tháng 11/2015), Công tố viên trưởng Sotir Tsatsarov dẫn đầu (9/2016), Bộ trưởng Kinh tế Bojidar Loukarsky (10/2016).

    Cơ chế tham vấn chính trị: Tháng 3/2010, Thứ trưởng Ngoại giao Ma-rin Ray-cốp đã sang tham vấn chính trị tại Việt Nam và Bộ Ngoại giao hai nước đã ký lại Nghị định thư về hợp tác nhân chuyến thăm Bun-ga-ri của PTT Nguyễn Thiện Nhân (9/2012) .

     

     II. KINH TẾ - THƯƠNG MẠI – ĐẦU TƯ

    1. Kinh tế - thương mại:

    Ngày 23/11/2006, hai nước đã ký Hiệp định hợp tác kinh tế. Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật đã tổ chức Khóa họp lần thứ 23 tại Hà Nội tháng 11/ 2015 (dự kiến khóa họp lần thứ 24 diễn ra tại Sofia vào tháng 11/2019).

    Tháng 7/2010, nhân chuyến thăm Bun-ga-ri của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, hai bên đã ký Hiệp định xử lý nợ song phương (có hiệu lực từ 19/08/2010), theo đó, Bun-ga-ri chuyển 600.000 USD trong tổng số nợ ta phải trả thành viện trợ phát triển của Chính phủ Bun-ga-ri cho Việt Nam.

    Về thương mại, Việt Nam xuất khẩu sang Bun-ga-ri các mặt hàng truyền thống như dệt may, giày da, cà phê, hóa chất, hải sản đông lạnh… nhập khẩu của Bun-ga-ri các mặt hàng như dược phẩm, hóa chất, thiết bị y tế, thuốc trừ sâu, đồng và các sản phẩm từ đồng, thuốc lá nguyên liệu…

     

    Kim ngạch thương mại Việt Nam – Bun-ga-ri

    Đơn vị: triệu USD
Năm201020112012201320142015201620172018
Ta nhập49,242,321,726,37404217071,3552,53
Ta xuất36,926,93741,37485546,238,3636,06
Tổng86,169,258,767,748897216,2109,7188.59

*Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam

 

Thống kê kim ngạch xuát nhập khẩu Việt Nam – Bungari

Đơn vị: triệu USD

Năm           Xuất khẩu          Nhập khẩu     Xuất nhập khẩu
 Trị giáTăng (%)Trị giáTăng (%)Trị giáTăng (%)
201126.9-27.1%42.3-14.0%69.2-19.6%
201237.0237.6%21.66-48.8%58.68-15.2%
201341,3711,8%26,3721,7%67,7415,4%
201447,7215,34%39,5649,84%87,2828,77%
201540,85- 14,4%61,6556,5%102,517,5%
201644,759,5%170,26176,1%215,0109,8%
201738,36-14,04%70,80-58,60%109,16-49,38%
201836,06-6%52,53-25,81%88,59-18,85%

                                                Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

 

Theo Bộ Kinh tế Bun-ga-ri, khả năng để đa dạng hóa và tăng cường xuất khẩu của Bun-ga-ri sang Việt Nam trong một số ngành hàng bao gồm:

-        Công nghiệp hóa chất: xuất khẩu các sản phẩm hóa chất như cao su thô, natri carbonat, hóa chất bảo vệ thực vật…;

-        Công nghiệp chế tạo máy: xuất khẩu máy cắt và gia công kim loại, linh phụ kiện dùng cho thang máy;

-        Công nghiệp dược phẩm: xuất khẩu nguyên liệu sản xuất dược phẩm, thuốc tân dược và đầu tư sản xuất dược phẩm tại Việt Nam;

-        Công nghiệp nhẹ: hợp tác sản xuất và xuất khẩu lụa, thuốc lá, các sản phẩm từ bông;

-        Nông nghiệp: cung cấp và thiết kế thiết bị tưới tiêu, xuất khẩu rượu vang, các sản phẩm nông nghiệp;

-        Liên doanh sản xuất thuốc lá, nước uống hoa quả, đồ uống có cồn, thuốc tân dược ở Việt Nam; sản xuất hàng may mặc, giầy dép và chế biến cà phê ở Bun-ga-ri.

 

2. Đầu tư:

Về đầu tư, theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến năm 2018, Bun-ga-ri có 10 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký trên 61 triệu USD. Các dự án bao gồm những lĩnh vực may mặc, dệt kim, chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, chế tạo, khoa học công nghệ và dịch vụ. Các nhà đầu tư Bun-ga-ri đang hoạt động tại các địa phương: Hải Dương, Lâm Đồng, Thừa Thiên – Huế, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Hình thức liên doanh có 2 dự án với tổng số vốn đăng ký 14,9 triệu USD về dệt may và phụ liệu. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, khoa học công nghệ có 4 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký 28 triệu USD. Lĩnh vực thông tin truyền thông có 3 dự án với tổng số vốn 16,7 triệu USD. Dịch vụ có 1 dự án.

Năm 2018, Việt Nam đã có dự án đầu tư đầu tiên tại Bun-ga-ri với số vốn 1,3 triệu EUR trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm chức năng.

 

III. CÁC LĨNH VỰC KHÁC

           1. Giáo dục - đào tạo:

Trước năm 1990, Bun-ga-ri đã giúp đào tạo cho Việt Nam hơn 3.600 cán bộ khoa học, chuyên gia các cấp và khoảng 3 vạn công nhân lành nghề. Bun-ga-ri có thế mạnh đào tạo trong các ngành xây dựng, kiến trúc, công nghệ thông tin, công nghệ sinh hóa, nông nghiệp, du lịch.

Tháng 2/2001, Bộ trưởng Giáo dục Bun-ga-ri đã thăm Việt Nam và ký Chương trình hợp tác (triển khai Hiệp định khung ký tháng 9/2000) nối lại việc trao đổi học bổng giữa hai nước. Tháng 9/2012, trong khuôn khổ chuyến thăm Bun-ga-ri của PTTg Nguyễn Thiện Nhân hai bên ký tiếp Chương trình hợp tác giai đoạn 2012 – 2016. Theo đó, hàng năm, hai bên trao đổi 01 học bổng đại học, 01 học bổng tiến sĩ và 01 học bổng thực tập sinh. Đồng thời, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ký Bản ghi nhớ hợp tác với trường Đại học Tổng hợp Sofia đưa ngôn ngữ hai nước vào giảng dạy.

Dự thảo Chương trình hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giai đoạn 2019 – 2023 hiện đang được hai nước soạn thảo. Theo chương trình hợp tác mới hàng năm hai bên sẽ trao đổi 2 suất học bổng đại học, 2 suất thực tập sinh 3 tháng, 2 suất thực tập sinh từ 6 tháng đến 1 năm và 2 suất học bổng tiến sĩ cho toàn bộ giai đoạn.

Bên cạnh hợp tác giữa hai chính phủ, hợp tác giữa các trường đại học của hai nước cũng tích cực được thúc đẩy. Kể từ năm 2016 trở lại đây đã có hành chục sinh viên và giảng viên của hai nước tham gia các chương trình trao đổi sinh viên – giảng viên.

 

2. Văn hóa:

Trước năm 1990, hai nước thường xuyên trao đổi các đoàn ca múa nhạc. Năm 2005, Đoàn ca múa nhạc Thăng Long đã tham dự Liên hoan Ca múa nhạc dân gian Bun-ga-ri. Từ năm 2007 đến nay, Đại sứ quán ta tại Bun-ga-ri đã phối hợp ra mắt 03 cuốn sách: "Hồ Chí Minh trên đất nước hoa hồng" (tiếng Việt và tiếng Bun-ga-ri); "Việt Nam – Đất nước con người" (tiếng Bun-ga-ri); "Việt Nam – con Rồng cháu Tiên" (tiếng Bun-ga-ri và tiếng Anh).           Tháng 11/2010, Hội Hữu nghị Việt Nam - Bun-ga-ri đã phối hợp tổ chức buổi "Tri ân đất nước hoa hồng" và mời 27 thầy cô giáo Bun-ga-ri sang dự. Năm 2009, hai nước đã ký "Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2009 – 2012" , tuy nhiên, do điều kiện khách quan, hai bên không triển khai được nội dung nào cụ thể. Tháng 4/2014, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Bun-ga-ri, hai bên đã ký « Chương trình hợp tác Văn hóa giai đoạn 2014 – 2016 » nhằm chuẩn bị kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (08/02/1950 – 08/02/2015).

Tháng 8/2015, Đại sứ quán Việt Nam tại Sofia đã tổ chức Tuần văn hóa Việt Nam tại Bun-ga-ri với sự tham dự của các nghệ sĩ đến từ Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc.

Tháng 8/2017, Đại sứ quán đã tổ chức các buổi giới thiệu Văn hóa tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ tại các thành phố Sofia và Varna với sự tham dự của Đoàn nghệ nhân Thanh đồng thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam.

Tháng 9/2018, Đại sứ quán đã tổ chức buổi hòa nhạc do nhạc trưởng Lê Phi Phi chỉ huy dàn nhạc với sự góp mặt của Nghệ sĩ nhân dân Thế Dân, Nghệ sĩ đàn bầu Nguyễn Hải Phượng. Buổi biểu diễn có sự tham dự của hơn 1200 khách mời.

3. Du lịch:

         Quan hệ hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Bun-ga-ri vẫn dừng ở mức độ nghiên cứu. Trong những năm gần đây hai nước tăng cường quảng bá hình ảnh, đất nước, con người nhằm thu hút du lịch tại mỗi nước, đặc biệt tiềm năng những người Việt Nam đã từng học tập và lao động tại Bungari trước thập niên 90 của thế kỷ trước quay trở lại thăm Bun-ga-ri.

          Số lượng khách du lịch đến từ hai nước trong giai đoạn 2004 – 2012:

Năm200420052006200720082009201020112012
Khách Việt Nam sang Bun-ga-ri279624281957232027332559244222022769
Khách Bun-ga-ri sang Việt Nam3343193202461677754650

*Nguồn: Bộ Kinh tế Bun-ga-ri

 

4. Khoa học công nghệ

Hiệp định hợp tác Khoa học và Công nghệ giữa hai nước được ký từ năm 1998, đến nay hai bên đã triển khai thực hiện 19 nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu khoa học. Hai bên có Tiểu ban hợp tác về khoa học - công nghệ (đã nhóm họp 3 lần) và đã triển khai hợp tác trong các lĩnh vực: sinh học, nông nghiệp, vận tải, du lịch, công nghệ thông tin và truyền thông, hành chính nhà nước, năng lượng.

Tháng 11/2014, Viện Hàn lâm Khoa học Bun-ga-ri và Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Khoa học Công nghệ Việt Nam - Bun-ga-ri lần thứ nhất tại thành phố Hạ Long. Nhân cuộc Hội thảo này hai Viện đã trao đổi kế hoạch nghiên cứu chung 4 dự án về Khoa học Vật liệu; Công nghệ thông tin; Công nghệ vũ trụ và Công nghệ sinh học biển. 

 

5. An ninh - Quốc phòng

Quan hệ quốc phòng giữa hai nước đã có một số bước phát triển sau chuyến thăm chính thức Bun-ga-ri của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và việc ký Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng giữa hai nước vào tháng 8.2013. Hàng năm, hai bên trao đổi các đoàn công tác, đoàn sỹ quan nghỉ dưỡng và tổ chức các khóa học ngắn ngày dành cho các cán bộ quốc phòng của Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Georgi S. Rakovski. Kể từ năm 2006 đến nay, bạn đã giúp ta đào tạo khoảng 30 sỹ quan quân đội (thuộc các ngành không quân và hải quân; ta tự trả học phí 100%). Hiện có 4 học viên Việt Nam đang theo học các chuyên ngành Kỹ thuật và công nghệ liên lạc và Điện tử hàng không tại Đại học quân sự Vasil Levski.

Tháng 10/2007, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã thăm làm việc tại Bun-ga-ri. Tháng 4/2012, Ta và Bạn đã ký Hiệp định cùng bảo vệ và trao đổi thông tin mật. Tháng 6/2015, hai bên ký Hiệp định phòng chống tội phạm nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực an ninh đặc biệt phát triển kể từ chuyến thăm chính thức Bun-ga-ri của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang vào tháng 6/2015. Nhân chuyến thăm hai nước đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo về phòng chống tội phạm. Sau chuyến thăm Việt Nam của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Bun-ga-ri Philip Gounev (tháng 8/2016, hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc Bun-ga-ri đồng ý tiếp nhận 2 nghiên cứu sinh tiến sĩ và 3 học viên đại học sang đào tại tại Bun-ga-ri từ năm học 2017 – 2018.

 

6. Lao động

Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác lao động tháng 4/2008. Năm 2008 có 6 doanh nghiệp Việt Nam được phép thực hiện hợp đồng đưa 395 lao động Việt Nam sang Bun-ga-ri làm việc, nhưng thực tế từ tháng 7/2008 đến cuối 2009, chỉ đưa được khoảng 200 người sang. Đầu 2009, do tác động của khủng hoảng kinh tế, đa số các lao động trên đã về nước. Tháng 6/2015, CP bạn thông báo trình QH xem xét thông qua dự luật cho phép chuyên gia, kỹ thuật viên Việt Nam sang làm việc tại các dự án hợp tác tại Bun-ga-ri. Tháng 11/2018, nhân chuyến thăm Bun-ga-ri của Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực lao động và chính sách xã hội.

Ước tính Bun-ga-ri đang có nhu cầu khẩn cấp đối với 80 000 lao động trong các lĩnh vực chế tạo máy, điện tử, xây dựng, IT, y tế và giao thông. Trong trung hạn, Bun-ga-ri sẽ cần đến 500 000 lao động trong tất cả các lĩnh vực. Tình trạng thiếu hụt lao động của Bun-ga-ri đang tạo điều kiện cho việc nối lại hợp tác trong lĩnh vực xuất khẩu lao động với Việt Nam. Trong năm 2018 đã có gần 50 lao động Việt Nam được đưa sang làm việc tại Bun-ga-ri trong các lĩnh vực may mặc, gia công gỗ...

 

7. Hợp tác địa phương

Một số địa phương Việt Nam có quan hệ hợp tác với các địa phương Bun-ga-ri như: Hà Nội - Sofia; thành phố Hồ Chí Minh - Plovdiv; Quảng Ninh - Burgas; Hải phòng – Varna; Đà Lạt - Kazalak; Thái Bình - Pazardzik, Thanh Hóa – Sumen. Thành phố Varna và Đà Nẵng ký hợp tác nhân chuyến thăm Bun-ga-ri của Chủ tịch UBND Văn Hữu Chiến (8/2014). Nhân chuyến thăm chính thức Bun-ga-ri của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (6/2015), thành phố Sofia và thành phố Hồ Chí Minh, Ruse - Cần Thơ đã ký kết hợp tác.

Các đoàn địa phương thăm nhau có: Đoàn HĐND thành phố Hà Nội do Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Bích Ngọc dẫn đầu thăm Sofia (8/2017) và Đoàn Hội đồng Nhân dân thành phố​ HCM (12/2019).  Đoàn Ủy ban thành phố Sofia do Phó Thị trưởng Dolcho Barbalov dẫn đầu đã sang thăm Hà Nội (3/2018).

 

IV. CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI BUN-GA-RI

 

Hiện có hơn 1.000 người Việt Nam sinh sống tại Bun-ga-ri, trong đó khoảng 3/4 đã nhập quốc tịch Bun-ga-ri, số còn lại có giấy phép thường trú 05 năm hoặc cư trú 01 năm, phần lớn đều có cuộc sống tương đối ổn định và hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng, kinh doanh hàng may mặc, thủ công - mỹ nghệ hoặc nông phẩm. Một số doanh nghiệp của người Việt làm ăn khá như: Công ty TNHH IMEXCO đầu tư khoảng 1 triệu USD vào chế biến mỳ ăn liền và thực phẩm; công ty TNHH RD đầu tư khoảng 0,7 triệu EUR vào bất động sản và kinh doanh khách sạn… Cộng đồng người Việt có thuận lợi là hiểu biết sâu về sở tại vì một phần đáng kể trong cộng đồng từng là sinh viên, lao động xuất khẩu ở Bun-ga-ri, có tri thức và quan hệ tốt với chính quyền Bạn. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cộng đồng, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước.

 

V. CÁC HIỆP ĐỊNH ĐÃ KÝ GIỮA HAI NƯỚC

 

Tên văn bảnNgày kýNơi ký
Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư19/9/1996Xô-phi-a
Nghị định thư về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao25/5/1996Hà Nội

Hiệp định tránh đánh thuế trùng

Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ

24/5/1996

 

1998

Hà Nội
Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực bưu chính viễn thông18/9/2000Xô-phi-a
Hiệp định hợp tác văn hóa, khoa học và giáo dục18/9/2000Xô-phi-a
Hiệp định vận tải biển18/9/2000Xô-phi-a
Hiệ định công nhận văn bằng giáo dục, học vị khoa học13/02/2001Hà Nội
Tuyên bố chung giữa hai Thủ tướng23/11/2006Hà Nội
Hiệp định Hợp tác kinh tế23/11/2006Hà Nội
Hiệp định Hợp tác du lịch23/11/2006

Hà Nội

 

Kế hoạch Hợp tác y tế 2006 – 200823/11/2006

Hà Nội

 

Thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp01/2009Hà Nội
Hiệp định xử lý nợ song phương7/2010Xô-phi-a
Hiệp định cùng bảo vệ và trao đổi thông tin mật16/4/2012Hà Nội
Thỏa thuận hợp tác giáo dục giai đoạn 2012 – 201616/4/2012Hà Nội
Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng8/2013Xô-phi-a
Bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản07/4/2014Hà Nội
Chương tình hợp tác văn hóa giai đoạn 2014 – 201607/4/2014Hà Nội
Kế hoạch Hợp tác du lịch giai đoạn 2014 – 201607/4/2014Hà Nội
Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực phòng chống tội phạm6/2015Xô-phi-a
Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cảnh sat6/2015Xô-phi-a
Hiệp định về tài sản ngoại giao9/2017New York
Bản ghi nhớ về hợp tác lao động giữa hai Bộ10/2018Xô-phi-a

 

 

 

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​